Bệnh đen mang là hiện tượng mang của tôm nuôi từ màu trắng trong bình thường bị chuyển sang màu đen, hoặc nâu do các tác nhân sinh hóa học. Bệnh đen mang trên tôm là một trong những loại bệnh phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả kinh tế của mùa vụ nuôi. Việc xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp mọi người tìm ra giải pháp phòng tránh hiệu quả nhất. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp chính xác nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh đen mang trên tôm, các bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh đen mang ở tôm thẻ chân trắng, tôm sú do nhiều nguyên nhân gây ra, một số nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến như:
– Lượng thức ăn dư thừa, ao xuất hiện nhiều xác tảo, chất hữu cơ tích tụ dưới đáy ao làm cho đáy ao bị dơ, đồng thời các chất này bám vào mang tôm và tạo thành hiện tượng đen mang.
– Trong ao nuôi tôm tồn tại một số loại chất kích thích hóa học như NH3, NO2 nếu hàm lượng cao sẽ làm mang tôm bị rám đen, tổn thương. Nhiều trường hợp hàm lượng khí độc quá cao sẽ gây đen mang nghiêm trọng và gây tỷ lệ chế cao.
– Nguyên nhân cũng có thể do tôm được nuôi trong môi trường thiếu tảo; thiếu Vitamin C, khoáng chất thiết yếu,…
Xác định đúng các nguyên nhân gây bệnh sẽ tạo thuận lợi cho quá trình điều trị bệnh một cách tốt nhất. Vậy cách điều trị bệnh đen mang trên tôm như thế nào?
Dấu hiệu bệnh lý
Tại ao: đáy ao yếm khí, nhiều bùn đen, tảo dày, khí độc cao. Đặc biệt, bệnh đen mang thường xuất hiện trong ao nuôi mật độ cao (trên 60 con/m2); sục khí không đủ, không thay nước, ít sử dụng vi sinh xử lý đáy.
Trên tôm:
Màu đen trên mang là do lắng đọng sắc tố đen melanin tại vị trí mang bị tổn thương do nấm hoặc vi khuẩn. Trước khi chuyển đen, mang chuyển màu từ hơi đỏ tới nâu sáng và cuối cùng là đen.
Các vết thương bị melanize hóa trên mang lan rộng. Có thể kèm theo hoại tử chóp râu, roi, cuống mắt; telson, phụ bộ trong trường hợp bị nhiễm nấm.
Tác nhân gây bệnh
Kiểm tra chất lượng nước và đáy ao là yêu cầu đầu tiên khi xác định bệnh. Chóp đầu tơ mang tôm có thể bị tổn thương. Và chuyển đen do môi trường ô nhiễm, các loại vật chất hữu cơ bám vào mang tôm. Hoặc do tác động của các khí độc như ammonia, H2S tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm xâm nhập.
Có thể kết hợp với các phương pháp kiểm tra tại phòng thí nghiệm nhằm đưa ra nguyên nhân chính xác.
Soi tươi mẫu mang đen dưới kính hiển vi.
Nấm: kiểm tra dưới kính hiển vi (X100 – 200) của mô mang nhiễm bệnh thấy bào tử hình xuồng (canoe) trong hoặc trên mặt vết thương do nấm Fusarium sp..
Ngoại kí sinh: sợi khuẩn và nguyên sinh động bám dày đặc trên mang tôm dễ dàng nhìn thấy dưới kính hiển vi.
Kiểm tra vi khuẩn:
Vi khuẩn nhiễm trên mang thường làm mang chuyển màu từ hơi đỏ đến nâu sáng; ít khi chuyển đen hoàn toàn.
Có thể kiểm tra mật số vi khuẩn trong môi trường bằng cấy mẫu nước trên đĩa thạch TCBS.
>>> Truy cập thêm tại chuyên mục Các bệnh ở thủy sản
Điều trị bệnh đen mang như thế nào?
Khi phát hiện bệnh đen mang ở tôm, quý bà con nên thực hiện các biện pháp sau:
– Giảm ngay lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi tôm
– Thay nước cho ao (Cần có ao lắng để xử lý nước)
– Nếu phát hiện khí độc NH3/NO2 trong ao nuôi. Thì dùng ngay chế phẩm Bac – Up để giảm nồng độ khí độc, cải thiện môi trường ao nuôi tôm.
Ngoài ra, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau:
– Quản lý, điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày cho tôm nuôi một cách hợp lý. Nên trộn thêm các loại men vi sinh có lợi và Vitamin C cho tôm nuôi.
– Thường xuyên theo dõi mật độ tảo trong ao nuôi; đảm bảo màu nước, độ pH luôn ở mức ổn định.
– Chọn con giống chất lượng, áp dụng nuôi tôm theo công nghệ an toàn sinh học trong toàn quy trình nuôi.
Hy vọng, với những chia sẻ vừa rồi về bệnh đen mang ở tôm sẽ giúp quý bà con có thêm kiến thức, chủ động phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.