Ngỗng là loại gia cầm dễ nuôi, mau ăn, ít mắc bệnh, thịt thơm, ngon và quan trọng là hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ chăn nuôi ưa chuộng. Nuôi ngỗng có nhiều ưu điểm vì là loài ăn tạp mà thức ăn chủ yếu là rau, ít thức ăn nên kỹ thuật nuôi ngỗng cũng tương đối đơn giản.
Ngỗng là một trong những giống gia cầm phổ biến ở nước ta. Ngỗng tuy dễ nuôi nhưng nếu không được chăm sóc cẩn thận thì rất dễ mắc bệnh. Thậm chí bùng phát dịch bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Dưới đây là một số bệnh thường gặp nhất ở ngỗng, cùng tham khảo nhé!
Bệnh phó thương hàn ở ngỗng
Nguyên nhân: Đặc trưng là ỉa chảy, viêm kết mạc và gầy sút. Bệnh có ở tất cả các nơi, gây chết 70-80% đàn gia cầm non, gia cầm lớn mắc bệnh ở thể mãn tính, làm sức đẻ trứng bị giảm sút. Vi trùng chủ yếu là Salmonella typhimurium. Gia cầm bệnh và khỏi bệnh mang mầm bệnh và bài xuất mầm bệnh là nguồn gây bệnh chủ yếu. Chúng có thể đẻ trứng đã bị nhiễm bệnh, nếu nhiễm nặng khi ấp phôi thai sẽ chết, nếu nở được thì con con cũng mắc bệnh. Khi ngỗng bị quá mệt do vận chuyển, chuồng trại chật chội, độ ẩm cao, bẩn, thiếu nước uống, sự biến đổi nhiệt quá lớn sẽ phát bệnh. Sự nhiễm bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa, có khi qua hô hấp, qua phối giống.
Triệu chứng: Thể cấp tính: ỉa chảy, có bọt khí, viêm thanh dịch, có mủ, viêm màng kết mạc làm cho đau mắt. Cánh rủ, lông tơ, cánh khô mất láng. Bệnh kéo dài từ 1-4 ngày, gây chết đến 70%. Trong một số trường hợp bệnh ở thể quá cấp tính, chết đột ngột, không xuất hiện các triệu chứng đặc biệt. Thể mãn tính thường thấy ở gia cầm lớn: ỉa chảy, đôi khi có máu, lông khô mất ánh. Viêm lỗ huyệt, buồng trứng. Trong thể mãn tính niêm mạc manh tràng thường bị phủ bởi lớp vàng xám dễ bóc. Túi mật sưng, đầy mật. Trong lòng ruột non chứa dịch đục, đặc, màng niêm mạc thủy thũng, thường sung huyết , đôi khi bị phủ lớm màng như cám xám bẩn.
Phòng và trị bệnh: Dùng biomixin với liều 5-10 mg/lần, từ 2-3 lần/ngày, liên tiếp trong 5-6 ngày. Hoặc bột cloramphenicol 40-50mg/kg thể trọng pha nước từ 3-5 ngày. Không dùng trứng của các ngỗng mẹ có bệnh để ấp.
Bệnh tụ huyết trùng ở ngỗng
Nguyên nhân: do vi trùng Pasteurella Multocida gây ra. Các tác nhân bên ngoài như thời tiết thay đổi đột ngột, chuồng trại và khu vực chăn nuôi kém vệ sinh, tác động của vận chuyển xa… Làm cho gia cầm giảm sức đề kháng và dễ bị vi trùng xâm nhập.
Triệu chứng: mồng tím tái, cù rù, đi đứng chậm chạp khó khăn. Phân loãng trắng hoặc xanh, có thể có máu tươi, khó thở, chảy nước mũi, cấp tính gây chết đột ngột. Á cấp tính gà mắt sưng viêm kết mạc, mũi sưng, viêm khớp.
Bệnh tích: Thịt tím sẫm, phủ tạng xuất huyết.
Phòng bệnh: Giữ vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh, khi thời tiết thay đổi bất thường nên cho uống vitamin C và thuốc chống stress.
Định kỳ cho uống kháng sinh đúng cũng là phương pháp tốt để phòng bệnh.
Điều trị: Tiêm bắp bằng Streptomicin 100-150mg/1kg khối lượng liên tục trong 3-5 ngày. Tetraxilin uống liều 80 – 100 mg/kg trọng lượng liên tục 3-5 ngày. Dùng sunfametazin trộn với thức ăn 0,5% hoặc hoà với nước uống 0,1%
Bệnh cúc khuẩn ở loài ngỗng
Nguyên nhân: Chuồng trại bị nấm mốc hay thức ăn để lâu bị nấm mốc, những tế bào nấm sâm nhập vào phổi ngỗng gây chết 50-100%.
Triệu chứng: Mắt, mũi và tai ngỗng bị sưng, đỏ, viêm.
Phòng bệnh: Giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tránh để chuồng ẩm ướt và những nơi nấm mốc có thể cư trú. Cho ăn thức ăn sạch, không nấm mốc và thường xuyên vệ sinh khay ăn, máng uống nước.
Bệnh không tiêu trên ngỗng
Nguyên nhân: Ngỗng con mới ấp ra có hệ tiêu hóa kém, chưa thích nghi được với thức ăn dẫn đến bệnh không tiêu.
Triệu chứng: Ngỗng mệt mỏi, kém ăn, mắt lờ đờ, lông xù và tiêu chảy kéo dài. Phân ngỗng có màu vàng, xanh hoặc nâu, mùi hôi khó chịu kèm theo những cục thức ăn không tiêu.
Phòng bệnh: Cho ngỗng ăn thức ăn sạch, dễ tiêu như gạo nứt, đồng thời cho uống đầy đủ nước. Có thể cho ngỗng uống nước tỏi, gừng hay hành lá, bổ sung Biovit vào thức ăn cho ngỗng con.
Bệnh cắn lông, rỉa lông trên ngỗng
Nguyên nhân:
- Chuồng nuôi chật chội, nhiệt độ trong chuồng quá nóng, ánh sáng mạnh khiến ngỗng stress.
- Trong khẩu phần ăn có thể thiếu 1 số chất như vitamin, chất khoáng và các nguyên tố vi lượng.
- Trong chuồng nuôi ngỗng có các con khác nhau về kích cỡ, khác giống hay có ngoại hình khác.
- Trong đàn có những con ngỗng bị thương cũng làm kích thích sự cắn mổ.
Phòng bệnh:
Giữ vệ sinh chuồng nuôi sạch sẽ, điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng trong chuồng nuôi để phù hợp với ngỗng.
Hết thời kỳ úm ngỗng 1-7 ngày, thả ngỗng ra vườn hay sân chơi, bổ sung rau xanh vào khẩu phần ăn khiến ngỗng tập chung rỉa rau mà không rỉa lông nhau nữa.
Quan sát những con ngỗng bị mổ, bị thương và chảy máu, tách chúng ra khỏi đàn ngỗng, điều trị cho khỏi trước khi thả lại đàn.
Trị bệnh:
- Cho uống nước pha muối loãng
- Bổ xung canxi và vitamin A và dầu cá
- Cho ăn thêm sunfat canxi
Bệnh dịch tả vịt lây sang ngỗng
Nguyên nhân: Bệnh do virut gây ra, nguyên nhân là nuôi ngỗng gần cuồng nuôi vịt.
Triệu chứng: Ngỗng mệt mỏi, kém ăn, đau mắt đỏ và sưng đầu.
Bệnh tích: Ngỗng bị xuất huyết lấm chấm khắp cơ thể, xuất huyết ở thực quản, ruột, thận, tuyến tụy, và hậu môn.
Phòng bệnh: Cách ly đàn ngỗng khỏi đàn vịt bị bệnh. Định kỳ phun khử trùng trong và ngoài chuồng ngỗng. Khi thấy bệnh dịch tả trên vịt cần tiêm ngay vacxin phòng bệnh dịch tả cho ngỗng.
Điều trị:
- Khi bệnh xảy ra cần tiêm ngay vacxin dịch tả cho đàn ngỗng, con bị bệnh nặng sẽ chết, con bị nhẹ sẽ dần hồi phục. Những con ngỗng chết cần được chôn sâu dưới lòng đất, rắc vôi bột và phun khử trùng hố chôn.
- Bổ sung các chất B-complex, Vitamin C, vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, chất điện giải… để nâng cao sức đề kháng cho đàn ngỗng.