Vụ tằm xuân hàng năm ở nước ta thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến hết tháng 4 dương lịch. Đặc điểm chung của thời tiết, khí hậu vụ xuân là nhiệt độ thấp, biên độ ngày đêm lớn, độ ẩm không khí cao, ít mưa. Trời có sương mù về đêm và sáng, ánh sáng ban ngày ngắn, cường độ và chất lượng ánh sáng không cao nên lá dâu chậm chín. Tằm vụ xuân thường bị bệnh vôi, bệnh bubo và ngộ độc thức ăn. Những căn bệnh này rất nghiêm trọng và khó điều trị. Để giảm thiểu bệnh hại cho tằm và nâng cao năng suất, chất lượng kén tằm cần thực hiện tốt các biện pháp chủ yếu sau.
Cách phòng bệnh cho tằm
Chăm sóc dâu đầy đủ; bón cân đối các loại phân đạm-lân-kali, đủ định lượng, đúng lúc và đúng cách. Hái dâu đúng kỹ thuật và theo yêu cầu tuổi tằm: tằm nhỏ (tuổi 1 đến tuổi 3) ăn lá dâu non, tằm lớn (tuổi 4 – tuổi 5) ăn lá dâu thành thục và lá già. Sát trùng nhà cửa và dụng cụ nuôi tằm bằng dung dịch formol 0,2% trước và sau mỗi lứa nuôi.
Nuôi giống tằm lưỡng hệ Trung Quốc có sức đề kháng tốt, năng suất cao, chất lượng tơ tốt. Để tằm trên nong với mật độ thích hợp, cho ăn đủ bữa trong một ngày đêm (6 – 7 bữa với tằm con, 5 – 6 bữa với tằm lớn), thay phân hàng ngày vào buổi sáng, duy trì nhiệt độ trong nhà tằm từ 25 – 28oC.
Ban đêm nhiệt độ xuống thấp, để lò than hồng đã hết khói trong nhà tằm nhằm tăng nhiệt độ. Dùng thuốc clorua vôi rắc lên nong tằm đã dậy đều sau mỗi lần ngủ lột xác để sát trùng. Theo dõi diễn biến sinh trưởng và phát triển của tằm hàng ngày. Để phát hiện kịp thời tằm bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả.
Biện pháp trị bệnh
Để tằm trên nong với mật độ thưa thoáng, thay phân hàng ngày vào lúc sáng sớm. Kết hợp rắc thuốc clorua vôi lên nong tằm sau mỗi lần thay phân san tằm để sát trùng và giảm ẩm. Khử trùng lá dâu trước khi cho tằm ăn bằng dung dịch hoạt hóa Anolit có tỷ lệ pha : 1 phần dung dịch Anolyte nguyên chất pha với 10 phần nước sạch; cứ 10 lít dung dịch đã pha thì rửa 15-20 kg lá dâu.
Vớt lá dâu ra cho ráo nước, đem bảo quản và cho ăn như bình thường. Cho ăn lá dâu thích hợp với độ tuổi của tằm, không cho tằm ăn lá dâu quá già hoặc quá non so với yêu cầu tuổi tằm dẫn đến sinh bệnh. Thuốc trị bệnh tằm chủ yếu gồm hai nhóm:. Các loại thuốc tiếp xúc ngoài để sát trùng gồm: clorua voi, beverytol; các loại thuốc tác động qua con đường tiêu hóa gồm: penicillin, cloramphenicol,…
Bệnh tằm vôi
Do một loại nấm gây ra, làm cho tằm kém ăn, phát triển chậm, còi cọc; ngủ và thức không đều, không lột xác rồi chết. Điều trị: nhặt hết những con tằm bị bệnh đem tiêu hủy với vôi bột dưới hố đất ở xa nhà nuôi tằm. Phun thuốc trị bệnh vôi vào các nong tằm 2 lần/ngày (sáng, tối); rắc thuốc clorua vôi vào các nong tằm để sát trùng 1 lần/ngày trước khi thay phân; cho ăn lá dâu tươi ngon để tằm nâng cao sức đề kháng.
Bệnh bủng
Con tằm bị bệnh ăn kém rồi bỏ ăn, phát triển chậm, trốn ngủ, bò lên mặt nong, các đốt thân bị phù thũng rồi xì mủ trắng làm tằm chết, bệnh lây lan nhanh. Điều trị: nhặt hết những con tằm bị bệnh đem tiêu hủy. Dùng thuốc Cloramphenicol hoặc Penicillin, Streptomycin, pha nồng độ 0,2 – 0,3% phun sương đều vào lá dâu rồi cho tằm ăn 2 lần/ngày; rắc thuốc Clorua vôi vào các nong tằm trước khi thay phân để sát trùng; cho ăn lá dâu tươi ngon.
Tằm bị ngộ độc
Do ăn lá dâu nhiễm thuốc trừ sâu. Khi ngộ độc con tằm quằn quại, ngừng ăn, miệng ứa dịch, lòi hậu môn, phần mềm, hô hấp tăng, tuần hoàn rối loạn rồi chết, xác chết màu thâm tím. Điều trị: Chuyển tằm sang nong sạch; tiêu hủy lá dâu và phân trên các nong cũ. Phun sương đều nước đường kết tinh 3%, nước dừa nạo, nước đậu xanh pha loãng vào lá dâu rồi cho tằm ăn 2 – 3 bữa liền để giải độc; ngừng hái lá những ruộng dâu đã bị nhiễm thuốc trừ sâu trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày mới hái lại.
Hy vọng bài viết của chúng tôi mang đến cho bạn nhiều thông tin phương pháp phòng bệnh.