Thức ăn cho gà ở dạng cám được gọi là cám gà vì tất cả các nguyên liệu để trộn đều được xay mịn. Một số tên gọi quen thuộc có thể kể đến như: “cám gà con”, “cám gà thịt”, “cám gà đẻ”,… Tất cả đều chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng nếu để lâu phần lớn rất dễ bị thối. Do đó, cần phải bảo quản tốt các loại cám này. Thông thường hỗn hợp cám gà chỉ có thể sử dụng trộn một lần từ hai đến ba tháng. Mời bạn đọc hãy cùng chúng tôi khám phá, tìm hiểu chủ đề này trong bài viết chăm sóc chế độ dinh dưỡng của gà thịt sau.
Nên bảo quản thức ăn cho gà đúng cách
Ăn phải thức ăn thiu thối, ôi mốc, gà sẽ bị sưng diều sình ruột, tiêu chảy … không có cách này chữa trị được. Thức ăn nuôi gà cần được chứa trong lu khạp, thùng phuy rồi chọn nơi cao ráo thoáng mát trong nhà, trong trại mà cất giữ. Ngoài ra, những vật chứa đó cần được đậy kỹ kẻo chuột, kiến, giám bò vào ăn, vừa làm hao bớt thức ăn vừa gieo rắc vi trùng từ ngoài vào, nhất là từ những trại gà xung quanh đang bị dịch khí hoành hành.
Thức ăn nuôi gà, hết ngày còn thừa lại bao nhiêu cũng phải đổ bỏ đừng tiếc. Vì vậy, ta nên liệu chừng đong lường cho đúng, sao cho gà trong chuồng không bị thiếu thức ăn, mà dư thì hốt bỏ đi cũng uổng phí.
Chia khẩu phần ăn cám gà hợp lý
Thật ra, cách tính toán khẩu phần ăn cho gà cũng không khó. Vì như kinh nghiệm cho ta thấy:
- Gà con hai tuần tuổi trở lên (cân nặng khoảng 70g) mỗi ngày trung bình ăn hết 18g cám gà
- Gà giò ba tháng tuổi (cân nặng 1,5kg) mỗi ngày trung bình ăn hết 80g cám gà.
- Gà mái đẻ (cân nặng hơn 2kg) mỗi ngày trung bình ăn hết 180g cám …
Cứ theo đó mà ta có thể tính ra sức ăn của bầy gà trong chuồng của mình là bao nhiêu để cho ăn đúng mức yêu cầu của chúng. Có điều mỗi chiều ta cũng nên theo dõi số cám còn tồn đọng trong mái ăn của gà còn lại bao nhiêu, để từ đó liệu cách gia giảm cho đủ. Thà để cám thừa ra chứ đừng để cho gà trong chuồng bị thiếu ăn.
Thức ăn của gà trong ngày còn thừa trong máng thường không còn sạch, không còn khô ráo, mùi thơm biến mất mà đã bốc mùi chua. Vì thức ăn của gà là cám khô nên chúng thường khát nước. Hễ ăn cám một lúc thì gà lại đi tìm máng nước để uống. Sau đó nó lại trở về máng ăn với cái mỏ còn dính nước nên cám trong máng thường bị thấm nước, vài giờ sau bị chua, bị lên men.
Xử lý số cám gà dư
Số cám còn thừa này nếu tiếc mà để qua hôm sau cho gà ăn lại, chắc chắn gà không tránh khỏi bị ngộ độc. Như vậy, lợi đâu không thấy mà chỉ thấy hại mà thôi.
Cám dư ta nên đổ vào hố chứa hay thùng có nắp đậy kỹ để ngăn chặn chuột không lọt vào được.
Đây là cách triệt nguồn thức ăn để chuột khỏi léo hánh đến chuồng gà. Nếu tạo cơ hội cho chuột năng lui tới chuồng gà thì lũ mèo hoang cũng có cớ lui tới rình rập để vồ chuột, đồng thời cũng giết hại gà con. Nhưng, cái hại phải kể đến trước hết là lũ mèo chuột cứ chạy tới chạy lui lăng xăng sẽ ít nhiều gây náo động trong chuồng gà, khiến gà phải sợ hãi. Đó là giữ vệ sinh thức ăn cho gà. Còn vệ sinh nước uống cũng là khâu cần được quan tâm đúng mức.
Cho gà ăn gì để đảm bảo điều kiện vệ sinh?
Đối với thức ăn cho gà thì có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tận dụng các phụ phế phẩm công nông nghiệp, sao cho đảm bảo các thành phần: Năng lượng, đạm, khoáng và vitamin E. Khống chế lượng thức ăn và đảm bảo chất lượng thức ăn đối với gà hậu bị để gà không bị mập mỡ làm giảm sản lượng trứng.
Sau giai đoạn úm có thể cho gà ăn thêm rau xanh. Nên nuôi thêm trùng đất là nguồn cung cấp đạm dồi dào cho gà. Thức ăn còn đang trong thời hạn sử dụng, không bị mốc,… Nguyên liệu làm thức ăn cho gà (lúa, bắp, hèm bia, cơm, thức ăn dư thừa…) phải mới, chất lượng tốt, không mốc, không mặn.
Ngày đầu tiên chỉ cho gà uống nước, ăn tấm hoặc bắp nhuyễn. Thức ăn mỗi lần rải một ít để thức ăn luôn thơm ngon kích thích tính thèm ăn của gà. Những ngày kế tiếp tập dần cho gà ăn sang thức ăn công nghiệp. Cho gà ăn nhiều bữa trong ngày, ăn tự do. Nếu sử dụng máng treo để cho gà; phải thường xuyên theo dõi điều chỉnh độ cao của máng. Để gà ăn một cách thoải mái và tránh rơi vãi thức ăn.
Đảm bảo nước uống cho gà vệ sinh
Chú ý nước dùng cho gà uống bên cạnh cho gà ăn cám
Nước dùng cho gà uống là thứ nước tinh khiết dành cho người dùng. Nói cách khác, loại nước gì ta uống được thì mới đổ vào máng cho gà uống. Đó là nước máy, nước mưa, nước giếng.
Chỉ trong trường hợp cần phòng bệnh hoặc tăng cường sức khoẻ cho gà; ta mới pha thuốc vào máng nước cho gà uống trong một thời gian nhất định nào đó mà thôi. Bình thường thì chỉ cho gà uống duy nhất một thứ nước lã (nếu đun sôi để nguội rồi cho uống thì tốt hơn).
Cũng như động vật khác, gà có thể nhịn ăn được một vài ngày. Nhưng không thể chịu khát một ngày. Hễ bị khát nước là gà chóng mất sức. Như gà con mới nở một hai ngày đầu không ăn không sao. Nhưng không cho uống nước thì chúng sẽ chết.
Thay nước trong máng cho gà
Do thức ăn của gà là cám khô nên gà uống nước rất nhiều. Vì vậy, ta nên đổ đầy máng nước cho gà uống thoả thích. Nên châm nước sạch vào máng nước nhiều lần trong ngày.
Mỗi sáng, ta lấy máng nước ra cọ rửa sạch, trước khi thay mới vào cho gà uống. Nhiều người cẩn thận hơn, mỗi sáng họ thay máng nước mới vào chuồng gà. Lấy máng cũ ra cọ rửa sạch rồi phơi nắng tiệt trùng để dành dùng cho hôm sau.
Máng nước uống của gà mà hằng ngày không được cọ rửa sạch sẽ; thì nước uống đổ vào mau chua, khiến gà uống phải dễ sinh bệnh. Như ăn phải loại cám ướt, ôi, mốc vậy. Việc giữ vệ sinh thức ăn nước uống cho gà càng chu đáo; thì đàn gà trong chuồng sẽ sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh và có năng suất trứng cao.