Bệnh đầu đen ở gà có tỷ lệ chết rất cao, lên đến 80%, xảy ra chủ yếu ở gà nuôi thả rông. Bệnh cần dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu để điều trị dứt điểm bệnh. Bệnh đầu đen có tên như vậy vì khi gà mắc bệnh, mào, da mép và da vùng đầu có màu xanh tím và cuối cùng nhanh chóng chuyển sang màu đen. Dưới đây là những thông tin chi tiết về bệnh đầu đen trên gà và cách phòng trị bệnh một cách hiệu quả mà bạn nên biết.
Những nguyên nhân bệnh đầu đen ở gà
Bệnh đầu đen do một loại đơn bào Histomonas Meleagridis ký sinh ở niêm mạc manh tràng và trong các tế bào gan. Chúng hút chất dinh dưỡng và tạo ra bệnh tích điển hình. Do đặc điểm này nên còn được gọi là bệnh viêm gan ruột truyền nhiễm (Infectious Enterohepatitis). Ngoài ra, đơn bào H.Meleagridis tạo ra hình dạng những cái kén ở ruột thừa, nên còn được người chăn nuôi gọi là bệnh kén ruột.
Đơn bào H.Meleagridis có vòng đời qua ký chủ trung gian là giun kim hoặc giun tròn. Khi gà ăn phải trứng giun kim sẽ bị nhiễm bệnh, tiếp tục thải trứng giun kim ra ngoài môi trường. Trứng giun kim lại tiếp tục được giun đất ăn, điều này trả lời được tại sao gà thả vườn và trong mùa mưa, gà lại hay mắc bệnh đầu đen.
Đối tượng mắc bệnh
Bệnh xảy ra chủ yếu trên gà, gà tây nuôi chăn thả, bán chăn thả và một số loài chim. Bệnh thường xảy ra ở gà trên 2 tuần tuổi đến 4 tháng tuổi. Khi môi trường ô nhiễm, gà giai đoạn sinh sản nuôi chăn thả vẫn mắc bệnh.
Đường truyền bệnh
Bệnh truyền qua đường tiêu hóa, gà khỏe ăn thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh, khi sức đề kháng của gà giảm, bệnh sẽ phát ra. Gà bệnh thải phân, mầm bệnh có trong trứng giun kim hoặc phân gà chứa mầm bệnh được giun đất ăn, do đó mầm bệnh tồn tại rất lâu trong môi trường vì vậy rất khó xử lý triệt để. Ở những khu vực chăn nuôi gà đã từng mắc bệnh, những lứa nuôi tiếp theo có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.
Triệu chứng và bệnh tích
Gà mắc bệnh đầu đen được chia làm hai thể: thể mãn tính và thể cấp tính. Thể cấp tính tỷ lệ chết cao ảnh hưởng nhiều tới hiệu quả chăn nuôi.
Thể mãn tính ở gà bị đầu đen:
- Gà bị bệnh, mắt lõm sâu, quầng mắt xanh tím và lan lên đầu.
- Gà giảm trọng, tỷ lệ chết không cao tuy nhiên vẫn tác động lớn tới năng suất chăn nuôi.
Thể cấp tính bệnh đầu đen ở gà:
- Bệnh xảy ra đột ngột, gà bỏ ăn, ủ rũ, xù lông.
- Gà sốt cao, không có biểu hiện điển hình.
- Chết nhanh sau 1-2 ngày, tỷ lệ chết cao hơn 80% nếu không điều trị kịp thời.
Bệnh tích ở bệnh đầu đen khá điển hình tập trung ở gan và ruột, nên nếu nhận ra sớm sẽ mau chóng phân biệt được với các bệnh khác (cầu trùng, Marek, Leuco, Lao hạch….):
- Gan sưng to 2-3 lần, có thể biến thành ổ hoại tử hoặc khối u như bệnh Marek.
- Manh tràng viêm sưng, thành ruột dày, xuất hiện các kén ruột
Phòng và trị bệnh đầu đen ở gà
Phòng bệnh
- An toàn sinh học trong chăn nuôi, cùng vào cùng ra
- Nên xổ giun cho gà định kỳ lúc 20 ngày tuổi và định kỳ mỗi tháng
- Làm vaccine cầu trùng để giảm tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết do đầu đen gây ra
- Vệ sinh và để trống chuồng nếu gà thả vườn thì cuốc đất và rắc vôi để xử lý giun đất trung gian truyền nhiễm
Điều trị
Để khắc phục bệnh đầu đen ở gà cần phối hợp nhiều biện pháp:
- Dùng thuốc đặc trị bệnh đầu đen SULFAMONOMETHOXINE, liều dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Bổ sung vitamin cho gà giúp đẩy nhanh quá trình trị bệnh. Gà khỏe được bổ sung vitamin thường xuyên giúp nâng cao đề kháng của gà; tránh được bệnh đầu đen cũng như các bệnh khác.
- Bổ sung men tiêu hóa sau khi hết liệu trình kháng sinh.
- Dùng thuốc tím hoặc Sunfat đồng để cho gà uống (1g thuốc tím pha với 10 lít nước hoặc 2 g Sunfat đồng). Cho toàn đàn uống trong 2 giờ; nếu thiếu thì pha thêm, mỗi tháng làm một lần
- Bệnh đầu đen ở gà là căn bệnh rất phổ biến xảy ra trên gà thả vườn. Với thuốc đặc trị Sulfamonomethoxine, công thêm việc xử lý giun đất ký sinh sẽ giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Trên đây là những chia sẻ của rscheman.com về bệnh đầu đen, hi vọng giúp bạn đọc có đầy đủ thông tin phòng và trị bệnh kịp thời để tránh thiệt hại về kinh tế.