Ngỗng cỏ hay còn được gọi là ngỗng Sen là một giống ngỗng nhà nội địa có nguồn gốc tại Việt Nam, chúng được nuôi phổ biến ở vùng Bắc Bộ, sau đó phân bố rộng rãi khắp cả nước. Ngỗng cỏ được nuôi nhiều ở vùng đồng bằng và vùng trung du Bắc Bộ. Ngỗng cỏ chịu kham khổ tốt và nó có khả năng kháng bệnh cao hơn các giống ngỗng ngoại. Chúng được Nhà nước Việt Nam công nhận là một trong những giống vật nuôi được phép lưu thông và cũng là giống vật nuôi quý cần được bảo tồn nguồn gen. Đây còn là một vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Đặc điểm của ngỗng cỏ
Ngỗng là loại gia cầm dễ nuôi, hay ăn chóng lớn, ít mắc bệnh, được ưa chuộng nên việc chăn nuôi ngỗng đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho nhiều hộ dân. Ngỗng cỏ hay ngỗng sen có thân hình nhỏ. Đầu, cổ thanh, không có mào. đầu nhỏ, cổ dài và mảnh.
Ở ngỗng đực có mào sừng hình tròn nằm ở gốc mỏ trên, mỏ có màu da cam, mắt màu xanh xám đen, bụng thu gọn, chân cao vừa phải chắc chắn. Đầu, lưng, cổ có vệt xám nâu thẫm ở phần trên, phần dưới lông màu trắng xám. Lông ở bụng và ngực màu trắng, phớt vàng.
Những chú ý khi chăn nuôi ngỗng cỏ
Chuồng trại chăn nuôi
Chuồng trại bao gồm chuồng nuôi nhốt, sân chơi, ao tắm, bãi chăn thả. Chuồng nuôi nên xây theo kiểu chuồng hở để ngỗng tiện đi lại và dễ dàng vệ sinh và đảm bảo sự thông thoáng. Tiếp đến là sân chơi láng xi măng hoặc gạch và có độ dốc để dễ quét dọn.
Nên bố trí có diện tích mặt nước trước chuồng để ngỗng tắm, bơi lội và phối giống. Với những hộ chăn nuôi nhiều, có diện tích ao lớn thì với 1.000 con ngỗng có thể thả trong 250 – 300 m2 ao, với những hộ chăn nuôi nhỏ từ 100 – 200 con mà không có ao hồ có thể xây bể để nuôi vẫn đem lại hiệu quả tốt.
Lựa chọn con giống
Việc lựa chọn con giống hậu bị tốt sẽ quyết định đến năng suất và hiệu quả của đàn ngỗng sinh sản. Có thể gây giống hậu bị bằng cách tự gột ngỗng từ 1 ngày tuổi và chọn giữ lại ngỗng mái, ngỗng đực sẽ chọn tại các cơ sở uy tín. Hoặc mua ngỗng dò lúc 77 ngày tuổi hoặc ngỗng hậu bị lúc 180 ngày tuổi, cách này thường dành cho những người chưa có kinh nghiệm, với cách này cần lên kế hoạch số lượng mua dự kiến tại các cơ sở giống.
Ðồng thời, người nuôi cần tiến hành chọn lọc lần cuối trước khi vào đẻ. Lựa chọn con ngỗng mái khỏe mạnh, dáng thanh, khối lượng khoảng từ 3,6 – 3,8 kg/con, lỗ huyệt ướt, xương chậu nở, có biểu hiện thích đi cùng ngỗng trống. Lựa chọn con trống với các đặc điểm khỏe mạnh, dáng đi hùng dũng; đạt khối lượng 4 – 4,5 kg/con, gai giao cấu phát triển rõ ràng.
Thức ăn của ngỗng cỏ qua từng giai đoạn
Ngỗng có thể ăn thức ăn xanh từ rau, bèo, cỏ, củ, quả. Thức ăn tinh bột dạng hạt: thóc, ngô, đậu tương; và thức ăn bổ sung khoáng, vitamin để tăng sức đề kháng. Khẩu phần của một ngỗng hậu bị, ngỗng nuôi đẻ khoảng 60 kg/con/năm.
Thức ăn cần cho giai đoạn sinh sản
Tỷ lệ trống mái hiệu quả là 1/4 hoặc 1/5. Thời kỳ này ngỗng cỏ thường đẻ làm 3 đợt, đợt đầu thường kéo dài nhất. Ngỗng cái không đẻ đồng loạt, để nâng cao tỷ lệ trứng ngỗng có phôi, cần tách riêng và bổ sung thức ăn cho ngỗng đực khoảng 15 ngày, thức ăn bổ sung là lúa ủ mầm mới nhú, bột cá, cám trộn rau xanh… Ngỗng đực được ăn tốt sẽ cho chất lượng tinh dịch tốt.
Thường ngỗng hay giao phối vào buổi sáng khi ra khỏi chuồng, người chăn nuôi ngỗng nên thả ngỗng khoảng từ 8 – 11 giờ và lùa xuống ao sạch để chúng giao phối và tắm. Buổi trưa cho ngỗng về nhà hoặc tránh nắng dưới gốc cây, bổ sung khoảng 50 g thức ăn/con. Buổi tối khi ngỗng về nhà cho chúng ăn nốt khẩu phần ăn còn lại khoảng 100 – 150 g/con.
Thức ăn cần cho giai đoạn ấp trứng và ngưng đẻ
Giai đoạn ấp trứng: Chuẩn bị làm ổ đẻ cho ngỗng với vách ngăn cao hơn nền chuồng khoảng 20 cm để tránh tình trạng ngỗng tranh nhau ổ đẻ và đánh cắp trứng ấp của nhau, dưới có rơm rạ vò mềm rồi lót lên ổ lớp dày 15 cm, có thể đổ thêm trấu vào ổ. Cứ 2 – 3 ngỗng cần một ổ đẻ. Khi ngỗng ấp, cần san trứng trong các ổ đều nhau. Ngỗng cái chăm ấp, ra ngoài rất ít nên để sẵn thức ăn và nước uống trong chuồng.
Giai đoạn ngưng đẻ: Giai đoạn này kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Thời gian này, không phải cho ngỗng ăn thêm gì vì ngỗng không có thói quen chăm con, ngỗng con sẽ được nuôi riêng. Trong giai đoạn này, nếu ngỗng bố mẹ được chăn thả tốt sẽ thay lông nhanh chóng; phục hồi sớm sức khỏe và tích lũy được chất dinh dưỡng cho cơ thể; để phát triển trứng non và chuẩn bị cho giai đoạn đẻ sau.